MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, CHỨC NĂNG CỦA VIỆN CNSH LÂM NGHIỆP

30 tháng 10, 2018
Xây dựng Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp trở thành Viện đầu ngành về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Công nghệ sinh học lâm nghiệp. Xây dựng Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp tiên tiến, hiện đại, đạt trình độ ngang tầm các nước trong khu vực và hội nhập quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Công nghệ sinh hoc lâm nghiệp, từ đó thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành nông-lâm nghiệp, góp phần phát triển nông-lâm nghiệp bền vững, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Thực hiện Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Căn cứ Quyết định số 127/CP ngày 19/8/1964 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Lâm nghiệp và quy định chức năng, nhiệm vụ của Trường; Quyết định số 392/QĐ-BNN-TCCB ngày 18/02/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Lâm nghiệp; Quyết định số 3585/QĐ/BNN-TCCB ngày 14/11/2006 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Trường Đại học Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020.

Trong Chiến lược phát triển của trường Đại học Lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020 đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 3485/QĐ-BNN-TCCB ngày 14/11/2006 có một nội dung quan trọng là phát triển Trường theo mô hình Học viện. Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp là một trong những Viện được dự kiến thành lập trong Chiến lược này.

Trường Đại học Lâm nghiệp đã chuẩn bị những tiền đề và nguồn lực cần thiết cho việc thành lập Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp. Về tổ chức và nhân lực, có ba đơn vị có tính chuyên nghiệp cao với đội ngũ đông đảo có thể tách ra từ khoa Lâm học của Trường để thành lập Viện CNSH Lâm nghiệp, gồm: Trung tâm Giống và CNSH, Bộ môn Sinh học và một bộ phận của Trung tâm thí nghiệm - thực hành. Về cơ sở vật chất và trang thiết bị, có thể sử dụng 580 m2 phòng thí nghiệm và 3 ha vườn ươm hiện có cùng hệ thống máy móc và thiết bị nghiên cứu hiện đại về công nghệ sinh học cho Viện mới. Về năng lực và kinh nghiệm hoạt động, đã có hàng chục đề tài, dự án và các khóa đào tạo, tập huấn về Giống và CNSH do trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện, đã được nghiệm thu trong những năm qua. Có thể nói rằng, việc thành lập Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã có tiền đề tốt, có chủ trương nhất quán và trường Đại học Lâm nghiệp cũng có đủ khả năng trong việc vận hành Viện này đạt hiệu quả cao.

Đề án thành lập Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã được dự thảo, lấy ý kiến cán bộ chủ chốt và các đơn vị trong Trường, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý trong ngành. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉ đạo của Lãnh đạo Trường Đại học Lâm nghiệp, Đề án đã được hoàn thiện và trình thông qua Đảng ủy và Lãnh đạo Trường Đai học Lâm nghiệp.

Với những lý do và yêu cầu cấp bách nêu trên, trường Đại học Lâm nghiệp kính trình Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét Đề án thành lập Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp trực thuộc trường Đại học Lâm nghiệp với các nội dung chính, như sau:

1. Tên gọi của Viện

- Tên tiếng Việt: Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp

- Tên tiếng Anh:  Forestry Biotechnology Institute

- Tên viết tắt: Viện FBI

2. Trụ sở chính của Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp: đặt tại khuôn viên của trường Đại học Lâm nghiệp, Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội.

3. Cơ quan quản lý trực tiếp: trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam

4. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp trở thành Viện đầu ngành về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Công nghệ sinh học lâm nghiệp. Xây dựng Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp tiên tiến, hiện đại, đạt trình độ ngang tầm các nước trong khu vực và hội nhập quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Công nghệ sinh hoc lâm nghiệp, từ đó thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành nông-lâm nghiệp, góp phần phát triển nông-lâm nghiệp bền vững, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

5. Mục tiêu cụ thể

  • Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và trình độ cao về CNSH lâm nghiệp ở các trình độ, loại hình đào tạo khác nhau phục vụ phát triển ngành nông lâm nghiệp;
  • Nâng cao năng lược nghiên cứu của đội ngũ cán bộ hiện đang làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học về Công nghệ sinh học lâm nghiệp và Giống cây rừng; gắn kết được nghiên cứu khoa học với đào tạo từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực Công nghệ sinh học lâm nghiệp và cải thiện Giống sinh vật rừng;
  • Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao, sản xuất, dịch vụ về CNSH lâm nghiệp nhằm đưa các tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông lâm sản, nâng cao tăng trưởng của ngành nông lâm nghiệp, góp phần hiện đại hóa và phát triển bền vững ngành nông lâm nghiệp ở Việt Nam dựa trên công nghệ cao;
  • Góp phần thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của trường Đại học Lâm nghiệp, phát huy các tiềm năng và thế mạnh về đội ngũ và cơ sở vật chất, qua đó góp phần nâng cao vị thế, danh tiếng của Nhà trường và tăng thu nhập cho cán bộ viên chức;
  • Góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các đơn vị chuyên môn trong Trường Đại học Lâm nghiệp theo hướng hợp nhất hóa khoa chuyên môn và viện nghiên cứu thành các Viện có tư cách pháp nhân, vừa có chức năng đào tạo làm chính, vừa có chức năng nghiên cứu khoa học.

6. Vị trí và chức năng của Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp

a) Vị trí  

Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp là đơn vị sự nghiệp đào tạo công lập trực thuộc trường Đại học Lâm nghiệp. Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo các quy định của pháp luật hiện hành đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ).

b) Chức năng:

  • Đào tạo nguồn nhân lực;
  • Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
  • Tư vấn và chuyển giao công nghệ;
  • Sản xuất, dịch vụ và kinh doanh;
  • Hợp tác quốc tế.

7. Nhiệm vụ của Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp

  1. Đào đạo nguồn nhân lực ở các trình độ (cao đẳng, đại học, sau đại học), các loại hình đào tạo (chính quy, vừa làm vừa học, liên thông, ngắn hạn) về lĩnh Công nghệ sinh học nông lâm nghiệp và cải thiện giống;
  2. Xây dựng chiến lược, các chương trình, dự án, kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm về đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Công nghệ sinh học lâm nghiệp, Giống cây rừng và tài nguyên sinh vật rừng;
  3. Nghiên cứu cơ bản có định hướng và nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực Công nghệ sinh học lâm nghiệp, Giống cây rừng, Tài nguyên sinh vật rừng, bao gồm:
    • Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen và di truyền phân tử trong chọn tạo giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh, chống chịu các điều kiện bất lợi của môi trường; Phân tích đa dạng di truyền, quan hệ di truyền, giám định ADN, xây dựng cơ sở dữ liệu về ADN nguồn tài nguyên sinh vật; Chẩn đoán bệnh cây trồng, vật nuôi; Sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông lâm nghiệp;
    • Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào thực vật trong nhân giống, chọn tạo giống các loài cây trồng có giá trị kinh tế cao, quý hiếm;
    • Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Vi sinh-Hóa sinh để tuyển chọn các chủng vi sinh vật có giá trị cho sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông lâm nghiệp, bảo quản và chế biến nông lâm sản, bảo vệ môi trường;
    • Nghiên cứu cơ sở khoa học và các biện pháp bảo tồn nguồn gen sinh vật rừng;
    • Nghiên cứu chọn tạo và nhân giống các loài cây lâm nghiệp, cây dược liệu bằng phương pháp truyền thống và ứng dụng CNSH;
    • Nghiên cứu xây dựng và quản lý các tập đoàn giống cây lâm nghiệp; rừng giống, vườn giống; ngân hàng hạt giống và hạt phấn cây lâm nghiệp.
  4. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về Công nghệ sinh học và Giống cây rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật;
  5. Thự hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ; chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất; triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm trên cơ sở ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện về Công nghệ sinh học, Giống cây rừng, Tài nguyên sinh vật rừng theo quy định của pháp luật;
  6. Tổ chức sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu và trao đổi các sản phẩm trong Công nghệ sinh học, Giống cây trồng và Tài nguyên sinh vật theo quy định của pháp luật. Tư vấn, giám sát, thiết kế, thẩm định, xây dựng và thực hiện các công trình, dự án về Công nghệ sinh học, Giống cây trồng và Tài nguyên sinh vật;
  7. Hợp tác trong và ngoài nước, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để triển khai công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, tư vấn, sản xuất về Công nghệ sinh học, Giống cây trồng và Tài nguyên sinh vật;
  8. Quản lý nguồn nhân lực, kinh phí, tài sản, các nguồn lực khác được giao và tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật;
  9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trường Đại học Lâm nghiệp giao.

Chia sẻ