Một vài số liệu thống kê về các tạp chí khoa học Việt Nam được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xem xét, tính điểm

13 tháng 6, 2017

Một vài số liệu thống kê về các tạp chí khoa học Việt Nam được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xem xét, tính điểm

           Trần Văn Nhung

Cho đến hết năm 2015, cả nước có tổng cộng 334 tạp chí khoa học có Mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (International Standard Serial Number, ISSN) [*] được HĐCDGSNN, 28 HĐCDGSN/LN và gần 100 HĐCDGSCS đưa vào danh sách xem xét, tính điểm cho các bài báo của các ứng viên GS, PGS đã được công bố ở trong đó. Ở đây chưa kể đến các tạp chí khoa học quốc tế mà các ứng viên GS, PGS đã có bài báo đăng ở trên đó. Rất đáng mừng là trong quá trình hội nhập quốc tế, nhiều tân GS, PGS đã có những công bố quốc tế xuất sắc loại SCI, SCIE (KHTN&CN) và SSCI, A&HCI (KHXH&NV), với hệ số ảnh hưởng IF rất cao. Có những tân GS, PGS với chỉ số H>20.

Trong số 334 tạp chí khoa học trong nước, chỉ có một mới được xếp vào ISI/SCIE trong tháng 1/2016. Xin xem thông tin từ đây: http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn /khcn-trung-uong/10853-tap-chi-khoa-hoc-dau-tien-cua-viet-nam-duoc-vao-isi.html "Sau khi được đưa vào cơ sở dữ liệu Scopus từ năm 2014, tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với IOP Publishing tại Vương quốc Anh xuất bản đã được Thomson Reuters đưa vào cơ sở dữ liệu Science Citation Index Expanded (SCIE) căn cứ vào hệ số tác động IF của ANSN do Thomson Reuters đánh giá trong 12 tháng của năm 2015. Thông tin về việc tạp chí ANSN được đưa vào SCIE được Thomson Reuters công bố trên website: http://ip-science.thomsonreuters.com/cgi-bin/jrnlst/jlcovchanges.cgi? PC=D". Xin chúc mừng GS VS Nguyễn Văn Hiệu, Tổng Biên tập của ANSN và Ban Biên tập!

Cho đến nay Việt Nam có hai tạp chí (Toán học) được xếp loại Scopus. Đó là: Acta Mathematica Vietnamica của Viện Toán học (Viện HLKH&CNVN, Tổng Biên tập là GS TSKH Nguyễn Tự Cường) từ năm 2011 và Vietnam Journal of Mathematics (Hội Toán học VN và Viện HLKH&CNVN, Tổng Biên tập là GS TSKH Hoàng Xuân Phú) từ 2014. Như vậy cả ba tạp chí khoa học nói trên đều thuộc Viện HLKH&CNVN và Hội Toán học VN.[*] Các trường đại học Việt Nam đang cố gắng phấn đấu để sớm có được các tạp chí khoa học bằng tiếng Việt và tiếng Anh với chất lượng khoa học ngày càng cao để hội nhập quốc tế, để tiến tới ISI hoặc Scopus. Số lượng và chất lượng các công bố quốc tế hàng năm của giảng viên và uy tín của Tạp chí khoa học của trường đại học cũng là một trong số các tiêu chí cơ bản để xếp hạng hàng năm các trường đại học.

Trong số 334 tạp chí khoa học nói trên chỉ có 26 (0, 078%) tạp chí xuất bản toàn phần hoặc một phần bằng tiếng Anh. Như vậy, mặc dù chưa nói, chưa bàn, chưa đánh giá về chất lượng khoa học, chúng ta thấy số lượng các tạp chí khoa học bằng tiếng Anh của chúng ta còn quá ít ỏi. Gần 100% tạp chí khoa học của chúng ta đang xuất bản bằng tiếng Việt! Trong đợt xét công nhận GS, PGS năm 2015 vừa qua, có 3 trên 28 Hội đồng ngành mà 100% tân GS, PGS có công bố quốc tế, đó là Vật lý, Toán học và CNTT, và 10 trên 28 Hội đồng ngành không có công bố quốc tế.

Tất nhiên tình hình, thực tế và sự khó khăn còn phụ thuộc vào lĩnh vực và ngành khoa học, KHTN&CN hay KHXH&NV. Nhưng dù mức độ và tốc độ có thể khác nhau ở các ngành khoa học khác nhau, chúng ta vẫn phải nhanh chóng tăng cường cả số lượng và chất lượng các tạp chí khoa học và công bố quốc tế. Việt Nam đã, đang chuẩn bị và sẽ hội nhập với khu vực và thế giới thế nào đây về mặt khoa học và giáo dục? Mà muốn hội nhập thành công về kinh tế, Việt Nam phải hội nhập thành công trước một bước về khoa học, giáo dục và nguồn nhân lực.

Khi nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời hội nhập quốc tế ngày nay chúng tôi không hề xem nhẹ tiếng Việt, thậm chí còn đề cao hơn vì màu cờ sắc áo Việt Nam. Vì đó là thứ tiếng đầu tiên chúng ta biết nói sau khi cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất quê hương Việt Nam. Vả lại, chúng tôi nghĩ rằng, trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày nay, khi ta nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, ..., tốt thì tiếng Việt của chúng ta càng thêm được tôn trọng. Tóm lại không có mâu thuẫn nguyên tắc và hình thức gì ở đây, trong thời hội nhập quốc tế. Hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài và hàng trăm triệu người dân Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, ..., hàng ngày họ vẫn nói tiếng Anh cùng với tiếng mẹ đẻ của họ mà không hề ảnh hưởng gì đến bản sắc, lòng yêu nước. Thậm chí còn thuận lợi hơn để thể hiện lòng yêu nước, để tăng cường thông tin tuyên truyền, đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, an ninh tổ quốc. Điều này càng đúng khi hiện nay chúng ta đang kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông.

Tài liệu tham khảo

           [*] Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước: "Văn bản quy phạm pháp luật …", NXB Bách khoa Hà Nội, 2015.

           Hà Nội, 12/01/2016.

 


Chia sẻ